Bộ Xây dựng đã có báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của ngành xây dựng. Theo đó, số lượng giao dịch và nguồn cung bất động sản chỉ đạt khoảng 84% so với năm 2020…
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, sau khi xã hội bước vào giai đoạn “bình thường mới” kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực từ quý 4/2021, trong đó có ngành xây dựng. Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành xây dựng ước quý 4/2021 tăng 33% so với quý 3/2021. Hoạt động xây dựng chuyên dụng ước tăng 51%, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng ước tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại ước tăng 25%.
Về chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản so với cùng kỳ năm trước tăng khoảng 3,1% bao gồm: căn hộ chung cư để bán, nhà ở riêng lẻ tại các dự án, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án. Giá giao dịch nhà trên thị trường thứ cấp tăng bình quân từ 2-5% so với năm 2020, trong đó, giá chung cư tăng bình quân từ 2-4%, giá nhà riêng lẻ tăng từ 3-5%; lượng giao dịch và nguồn cung bất động sản năm 2021 chỉ đạt khoảng 84% so với năm 2020.
Dù có sự tăng trưởng khá trong quý 4 nhưng do các tháng đầu năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên nhìn chung giá trị tăng thêm ngành xây dựng năm 2021 ước thực hiện vẫn tương đương so với năm 2020. Trong năm 2021, giá trị tăng thêm của ngành xây dựng dự kiến tăng 0,2-0,5% so với cùng kỳ năm 2020; chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với cùng kỳ; diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25 m2/người.
Về phát triển nhà ở thu nhập thấp và công nhân tại khu công nghiệp: 9 tháng đầu năm 2021 có 8 dự án nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 254 dự án tương đương khoảng 108.800 căn với tổng diện tích 5.440.000 m2 và đang triển khai 271 dự án tương đương khoảng 256.500 căn với tổng diện tích 12.825.000 m2.
Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đặt chỉ tiêu năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng ước 4,96 – 5,56%; diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5 m2/người và tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5 – 42%.
Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu đề xuất và thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Tiếp tục tập trung nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành: Nghị định sửa đổi Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…
Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp thông tin trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, bổ sung một số chỉ tiêu làm công cụ đánh giá tình hình phát triển thị trường bất động sản và công tác quản lý thị trường bất động sản.
Tiếp tục đôn đốc các địa phương thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội để đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, bảo đảm chỗ ở an toàn cho người dân; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở, nhà ở công vụ, công sở và thị trường bất động sản tại các địa phương.
Rà soát, tổng hợp công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản toàn quốc theo quy định; yêu cầu các địa phương thực hiện công bố công khai thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa ban. Nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương kiểm soát, quản lý nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh…
Theo Vneconomy